Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Phần II Thực trạng hoạt động PR qua bóng đá ở Việt Nam - Những ông chủ doanh nghiệp làm bóng đá

2.Những ông chủ doanh nghiệp làm bóng đá.

Bóng đá Việt Nam xôm tụ và phát triển phần lớn nhờ những ông chủ, những doanh nghiệp bỏ tiền vào làm mới bộ mặt bóng đá. Chính họ đã góp phần lớn vào việc xã hội hóa bóng đá Việt Nam và là đòn bẩy trong việc kích hoạt bóng đá chuyên nghiệp đi dần vào qũy đạo chuyên nghiệp theo quy luật tất yếu…


2.1.Bầu Đức với Hoàng Anh-Gia Lai.

Năm 2002, tôi may mắn ngồi với ban lãnh đạo đội Sông Lam tại Pleiku khi họ đang là thượng khách tại đấy. Giữa cái rét của phố Núi vào những ngày cuối năm, ông HLV Nguyễn Thành Vinh của SLNA thao thao chia sẻ kinh nghiệm làm bóng đá của Đoàn Bóng đá Sông Lam. Trong khi ông Vinh nói thì ông Nguyễn Hồng Thanh ngồi trầm ngâm thỉnh thoảng bổ sung. Đối diện hai ông này là Giám đốc Sở TDTT Gia Lai Phạm Văn Tuấn, HLV Nguyễn Văn Vinh và ông Đoàn Nguyên Đức.

Quán ăn rất nhỏ nhưng ấm cúng và câu chuyện giữa những người có kinh nghiệm làm bóng đá và những người muốn học làm bóng đá khiến chẳng ai buồn đụng đũa vào. Đấy cũng là lần đầu tôi ngồi cùng bàn với ông bầu Đoàn Nguyên Đức và chợt tự mình hỏi mình: “Tay này sao hỏi nhiều thế và toàn hỏi vào lĩnh vực mà chắc chắn ông giám đốc Sở TDTT Phạm Văn Tuấn biết”.

Trước bữa cơm thân mật này, phố Núi đã chứng kiến một trận đấu giữa đội Gia Lai (khi đấy đang là đội trung bình ở hạng Nhất) và Sông Lam (đương kim vô địch V-League). Trận đấu mà các cầu thủ Sông Lam chỉ đá nửa chân còn Gia Lai thì cố thắng cho kỳ được và đã thắng. Chiến thắng làm mát lòng người hâm mộ phố Núi khi ấy chỉ mong nhìn được tận mắt Văn Sỹ Hùng, Phi Hùng…

Không ai ngờ tất cả khởi đi từ trận giao hữu ấy cùng bữa tiệc ấm cúng mà Sở TDTT và ông Đoàn Nguyên Đức đãi khách Sông Lam.

Nghe nói sau bữa tiệc ấy, ông Đức và ông Tuấn giám đốc Sở TDTT Gia Lai đã ngồi lại với nhau rất lâu để bàn kế hoạch đưa bóng đá Gia Lai phát triển. Ông Tuấn sau này thú nhận: “Bóng đá Gia Lai có từ rất lâu nhưng chỉ đá hạng Nhất. Lần nở mặt nở mày là thắng CATP.HCM ở lượt đi Cúp Quốc Gia ngay tại Hà Nội năm 1995. Bóng đá Gia Lai có con người nhưng không thể thành đội bóng lớn nếu cả Sở cứ nai lưng ra lo cho đội bóng. Chúng tôi may mắn có ông Đoàn Nguyên Đức sẵn sàng và thế là ai cũng biết đến Gia Lai, đến bóng đá Gia Lai và nhiều hơn nữa…”.

2003 Gia Lai lên Chuyên nghiệp với cái tên Hoàng Anh Gia Lai. 2004 cái đội bóng tân binh mà chưa đầy hai năm trước học Sông Lam làm bóng đá đã vô địch rồi 2004 họ lại vô địch nữa.

Có lần tôi mạo muội hỏi thẳng ông Đức “Ông đổ tiền cho đội bóng rất nhiều và ba năm làm bóng đá ba lần vô địch hạng Nhất lẫn chuyên nghiệp. Đổi lại ông đượ cái gì ngoài cái tiếng?”. Ông Đức cười khà khà trả lời với cái giọng rất “phủi”: “Được nhiều lắm chứ. Tôi làm bóng đá theo kiểu tiền đổ cho bóng đá và bóng đá làm ra tiền chứ không cho không bóng đá. Hồi tôi lấy Kiatisak ai cũng nói là chơi trội chứ tiền đâu mà trả nhưng nói thật tôi mua Kiatisak một vốn 40 lời. Có Sắc, tôi muốn mở rộng làm ăn bên Thái không khó bởi uy tín của Sắc ở Thái Lan thì không thể trả bằng tiền được. Hồi tôi mời Sông Lam lên phố Núi và bao cho họ tất tần tật để Gia Lai học làm bóng đá thì có ai trong giới bóng đá biết Hoàng Anh. Giờ thì nhiều người biết và cả nước ngoài cũng biết. Có ai tạo được thương hiệu nhanh như thế không và đến giờ tôi vẫn tự hỏi mình rằng nếu không có bóng đá Hoàng Anh khó lên nhanh như thế. Làm bóng đá với con đường mà mọi người vẫn nói là dài nhất và lâu thu hồi vốn nhất với tôi lại là nhanh nhất nếu ta nắm bắt được nó…”.

Đến giờ thì ông Đức không dừng lại ở chức vô địch nữa rồi. Chỉ 5 năm sau khi ông học bóng đá Sông Lam, giờ thì ông chủ của CLB Hoàng Anh Gia Lai đã sang bên Anh bắt tay với Arsenal mở lò đào tạo với nguồn cầu thủ chính là những đôi chân trần tuổi 13 ở Việt Nam.

Năm năm sau cái ngày bất chợt hội ngộ ở phố Núi cùng “thượng khách” Sông Lam, tôi hỏi ông bầu Đức với giọng tưng tửng: “Người ta nói ông làm vì bóng đá Việt Nam nhưng tôi lại thấy trước mắt là ông làm cho chính ông?”. Ông bầu này chẳng suy nghĩ gì nói ngay: “Có nhiều cách đi và tôi chọn cho mình lối đi ngắn nhất. Tôi làm trước hết cho Hoàng Anh Gia Lai bởi nếu không làm theo cách của Hoàng Anh Gia Lai mà cứ đi theo lối mòn của tổ chức bóng đá thì biết đến bao giờ mới đến đích, mới qua mặt các đội bóng trong khu vực. Lứa học viện HA.GL – Arsenal JMG thực chất cũng là một cách làm kinh tế và tài sản vô hình của những cầu thủ được đào tạo theo công nghệ mới thì bóng đá Việt Nam được hưởng khi họ khoác áo đội tuyển…”.

2.2.Bầu Hưng với”Khu công nghiệp bóng đá”.

Cùng với cách làm bóng đá như bầu Đức, lại thấy ở một ông chủ khác đó là bầu Hưng với tên đầy đủ là Quách Thành Lai. Bầu Hưng làm bóng đá lâu hơn bầu Đức nhưng cách đi lại mang nặng phần phong trào hơn. Trong khi bầu Đức luôn tính đường ngắn nhất thì bầu Hưng lại tính chuyện biến vùng đất sình lầy cách trung tâm TP.HCM hơn chục cây số thành một “khu công nghiệp bóng đá”. Đất ruộng thời “sơ khai” của bầu Hưng giờ đã thành đất vàng khi Trung tâm Thể thao Thành Long “hóa” chính nó bằng việc “lấy mỡ nó rán nó”.

Bầu Hưng muốn có rất nhiều từ bóng đá. Ông muốn còn hơn cả bầu Đức nhưng phần được thì chưa được bao nhiêu. Ông tiếp quản đội hạng Nhất rồi rớt xuống hạng Nhì. Ông ôm lứa năng khiếu Thành Long và muốn “qua mặt nhà nước” qua mặt Trường Nghiệp vụ thể thao TP.HCM nhưng chưa đến đỉnh đã trở ngại. Ông làm bóng đá theo kiểu cho nhiều hơn nhận và cái ông được bây giờ là một cơ ngơi đất vàng ở Bình Chánh – TP.HCM.

Cái cơ ngơi mà có lúc ông bị chính người của bóng đá lợi dụng và ông hiểu, ông biết nhưng ông vẫn thích vì nó làm dày thêm cho thành tích của Thành Long và cho cái vùng đất ruộng đã thành “khu công nghiệp” có giá trị vàng.

Mới đây, bầu Hưng quyết định bán đội bóng trẻ của mình cho Bình Dương và điều ấy dự báo ông bầu này đã bắt đầu mệt mỏi với việc “vác ngà voi” cho bóng đá TP.HCM đã một lần lên đỉnh rồi tuột và đến giờ chưa có đầu ra.

2.3.Bầu Thắng với”đè án Calisto”.

Cũng nổi đình nổi đám không kém là bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm. Bầu Thắng hay được giới truyền thông đưa ra làm cán cân so với bầu Đức dù cách đi của hai ông bầu này khác nhau. Bầu Thắng đạo mạo là một doanh nghiệp trẻ tiến thân rất nhanh và bước sang cả đường đi của một “chính khách” khác với kiểu bụi bặm như một gã thợ rừng của bầu Đức. Bầu Thắng biến Long An từ một đội trung bình yếu thành một đội mạnh ở V-League qua “đề án Calisto”.

Ông bầu này cho xây dựng một trung tâm bóng đá ở Bến Lức và sau hai chức vô địch đã có vẻ hài lòng với cái được từ bóng đá. Đã có lúc cái cách làm bóng đá của ông bầu này bị xem là căn cơ và liệu cơm gắp mắm khi tận dụng vào chất xám của Calisto nhưng dẫu sao nó cũng là bước khởi đầu đặc sắc của bóng đá Việt Nam qua hướng xã hội hóa mà giờ thì ai cũng nói Long An là Gạch Đồng Tâm và ngược lại.

Bóng đá Việt Nam ngày càng có nhiều những ông chủ đổ tiền vào làm bóng đá và mỗi ông chủ vận hành theo một kiểu. Sau bầu Đức, bầu Hưng, bầu Thắng còn có những bầu Kiên, bầu Tuấn, bầu Tuấn rồi bầu Hiển…

Có bầu, sự đa dạng của bóng đá Việt Nam rõ nét hơn cho dù chưa hẳn cách làm của bầu nào cũng hay. Tuy nhiên đấy là sự phát triển tất yếu của bóng đá theo hướng xã hội hóa mà nhiều ông bầu đã vận hành trước cả bộ máy chủ của bóng đá Việt Nam.

Những hướng đi mà sau này chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ ghi nhận họ như một phần lịch sử…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét