Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU - KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CÁC TỐ CHẤT THỂ LỰC

1.3. Khái niệm và đặc điểm các tố chất thể lực.

Các tố chất thể  lực của con người gồm: sức mạnh, sức nhanh, sức bền, mềm dẻo và khéo léo. Ta tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của từng tố chất với các quan điểm khác nhau.



Tố chất sức mạnh

  • Theo quan điểm lý luận và phương pháp TDTT: Sức mạnh là khả năng con người sinh ra lực cơ học bằng sự nổ lực cơ bắp. Nói cách khác, sức mạnh của con người là khả năng khắc phục lực đối kháng bên ngoài hoặc đề kháng lại sự nổ lực cơ bắp.
  • Cơ bắp sinh ra lực trong các trường hợp.
    • Không thay đổi độ dài cơ (chế độ tĩnh).
    • Giảm độ dìa của cơ (chế độ khắc phục).
    • Tăng độ dài của cơ (chế độ nhượng bộ).
  • Sức mạnh phụ thuộc vào:
    • Quan hệ giữa lực cơ bắp sản sinh và khối lượng vật thể chịu tác động: Nếu con người thực hiện một loạt động với nỗ lực cơ bắp tối đa để làm chuyển động những vật thể có khối lượng khác nhau thì lực sinh ra sẽ khác nhau.
    • Quan hệ giữa lực và tốc độ: giữa lực và tốc độ có tương quan tỷ lệ nghịch với nhau, tốc độ càng cao thì lực càng nhỏ và ngược lại.
Để rèn luyện sức mạnh người ta sử dụng các bài tập sức mạnh, tức là các động tác với lực đối kháng. Các bài tập này đươc chia làm hai nhóm.

Các bài tập với lực đối kháng bên ngoài
  • Các bài tập với dụng cụ nặng.
  • Các bài tập với lực đối kháng của người cùng tập.
  • Các bài tập với lực đàn hồi.
  • Các bài tập với lực đối kháng của môi trường bên ngoài (chạy trên cát, mùn cưa).
Các bài tập khắc phục trong lượng cơ thể
  • Sức mạnh được chia ra làm hai loại :
    • Sức mạnh đơn thuần(khả năng sinh ra lực trong các động tác chậm hoặc tĩnh).
    • Sức mạnh tốc độ (khả năng sinh ra lực trong các động tác nhanh)
    • Ngoài những loại sức mạnh cơ bản trên ta thường gặp một số khái niệm khác.
    • Sức mạnh bộc phát: Là khả năng con người phát huy nội lực lớn trong thời gian ngắn nhất.
    • Sức mạnh bền: Là khả năng chống lại mệt mỏi của cơ thể khi hoạt động sức mạnh.
    • Sức manh tương đối: Là sức mạnh tuyệt đối trên 1kg trọng lượng cơ thể.
  • Theo quan điểm sinh lý TDTT: Sức mạnh là khả năng khắc phục trọng tải bên ngoài bằng sự căng cơ.
    • Sức mạnh phụ thuộc vào:
      • Số lượng đơn vị vận động (sợi cơ) tham gia vào căng cơ.
      • Chế độ co cơ của các đơn vị vận động (sợi cơ) đó.
      • Chiều dài ban đầu của sợi cơ trước lúc co.

Tố chất sức nhanh(năng lực tốc độ)

  • Theo quan điểm lý luận và phương pháp TDTT: Sức nhanh là một tổ hợp thuộc tính chức năng của con người. Xác định tính chất nhanh của động tác cũng như xác định thời gian của phản ứng vận động.
  • Người ta phân biệt ba hình thức đơn giản biểu hiện sức nhanh như sau.  
    • Thời gian tiềm tàng của phản ứng vận động.
    • Tốc độ động tác đơn (Với lượng đối kháng bên ngoài nhỏ).
    • Tần số động tác.
Các hình thức đơn giản của sức nhanh tương đối độc lập với nhau và không phụ thuộc vào nhau.


  • Phân loại sức nhanh:
    • Sức nhanh của phản ứng vận động đơn giản
    • Sức nhanh của phản ứng vận động phức tạp
    • Sức nhanh của tần số động tác
  • Những yếu tố là những điều kiện để phát huy sức nhanh:
    • Đặc điểm tâm lý: Thể hiện ở sự nổ lực ý chí của VĐV khi vận động
    • Đặc điểm sinh lý: Thể hiện ở số lượng cơ tham gia hoạt động
    • Sự sắp xếp của cơ trong các cơ đảm bảo tính phối hợp, đàn hồi, co giãn, thả lỏng trong vận động.
    • Sự linh hoạt của thần kinh cơ đảm bảo cho sự thay đổi thật nhanh giữa hưng phấn và ức chế.                                                                              
    • Trình độ của khả năng phối hợp vận động làm việc thực hiện  yêu cầu vận động hợp lý hơn với tốc độ cao.
    • Trình độ của các tố chất khác nhau, đặc biệt là sức mạnh đảm bảo cho các yêu cầu tăng tốc.
Phương pháp giáo dục sức nhanh :

  • Phương pháp giáo dục sức nhanh của phản ứng vận động đơn giản
  • Phương pháp giáo dục sức nhanh phản ứng vận động phức tạp
  • Phương pháp giáo dục sức nhanh của tần số động tác
  • Theo quan điểm sinh lý TDTT
Tố chất sức nhanh là năng lực phản ứng nhanh, chậm của cơ thể đối với các loại kích thích, nhằm hình thành mọi động tác hoặc di động một cự ly nào đó trong một đơn vị thời gian .

Tố chất sức bền


  • Theo quan điểm lý luận và phương pháp TDTT: Sức bền là năng lực thực hiện động tác với cường độ cho trước, hay là năng lực duy trì khả năng vận động trong thời gian dài nhất mà cơ thể chịu đựng được.
Do thời gian hoạt động cuối cùng bị giới hạn bởi sự xuất hiện của sự mệt mỏi nên cũng có thể định nghĩa sức bền là năng lực của cơ thể chống lại mệt mỏi trong một hoạt động nào đó.

  • Sức bền trong vận động thể lực bị chi phối bởi rất nhiều nhân tố:
    • Kỹ thuật thể thao hợp lý, đảm bảo phát huy hiệu quả và đồng thời tiết kiệm đươc năng lượng trong khi vận động.
    • Năng lượng duy trì trong thời gian dài trạng thái hưng phấn của các trung tâm thần kinh.
    • Khả năng hoạt động cao của hệ tuần hoàn và hô hấp
    • Tiết kiệm của các quá trình trao đổi chất
    • Cơ thể có nguồn năng lượng lớn
    • Sự phối hợp hài hòa của các chức năng sinh lý
    • Khả năng chịu đựng chống lại cảm giác mệt mỏi nhờ sự nổ lực của ý chí.
  • Nâng cao sức bền thực chất là quá trình làm cho cơ thể thích nghi dần dần với lượng vận động ngày càng lớn.
  • Nâng cao sức bền chung là cơ sở để nâng cao sức bền chuyên môn và nâng cao năng lực vận động của cơ thể nói chung
  • Theo quan điểm sinh lý TDTT: Sức bền là năng lực thực hiện lâu dài một hành động nào đó.
  • Sức bền được chia làm hai loại:
    • Sức bền ưa khí : Nó phụ thuộc vào khả năng hấp thụ oxy tối đa của cơ thể và khả năng duy trì lâu dài mức độ hấp thụ oxy cao.
    • Mức độ hấp thụ oxy tối đa của con người quyêt định khả năng làm việc trong điều kiện ưa khí của họ, vo¬¬2¬¬¬ max cơ thể còn cao thì công suất hoạt động ưa khí tối đa sẽ càng lớn. Ngoài ra VO2 max càng cao thì cơ thể thực hiện hoạt động ưa khí càng dể dàng vì vậy càng được hoạt động lâu hơn.
    • Như vậy về bản chất sức bền chính là khả năng hấp thụ oxy tối đa của cơ thể.
    • Sức bền yếm khí: Gồm sức bền hệ thống cung cấp năng lượng liên tuc và sức bền hệ thống cung cấp năng lượng ATP, CP.

Tố chất mềm dẻo

  • Theo quan điểm lý luận và phương pháp TDTT.
  • Mềm dẻo là năng lực thực hiện động tác với biên độ lớn.
  • Biên độ tối đa của động tác là thước đo của năng lực mềm dẻo.
  • Năng lực mềm dẻo được phân thành hai loại: Mềm dẻo tích cực và mềm dẻo thụ động.
    • Mềm dẻo tích cực: Là năng lực thực hiện động tác với biên độ lớn ở các khớp nhờ sự nỗ lực của cơ bắp.
    • Mềm dẻo thụ động: Là năng lực thực hiện động tác với biên độ lớn ở các khớp nhờ tác động của ngoại lai như: Trọng lượng của cơ thể, lực ấn, lực ép của HLV hoặc bài tập.
  • Năng lực mềm dẻo phụ thuộc vào đàn tính của cơ bắp và giây chằng.

Ý nghĩa của năng lực mềm dẻo:


  • Nhờ có mềm dẻo việc thực hiện các kỹ thuật động tác mang tinh chất tiết kiệm. Do đó ít tốn sức hơn.
  • Cũng nhờ có khả năng mềm dẻo việc học tập và hoàn thiện các kỹ xảo động tác nhanh hơn.
  • Ảnh hưởng lớn đến các tố chất khác do đó là điều kiện để phát huy tất cả các tố chất.
  • Ngoài ra nhờ có mềm dẻo VĐV có thể hạn chế chấn thương.

Tố chất khéo léo

  • Theo quan điểm lý luận và phương pháp TDTT.
  • Khéo léo là khả năng hoạt động phối hợp cơ thể của VĐV để cùng một lúc thực hiện có hiệu quả cao nhiều nhiệm vụ vận động nhờ vốn tích lũy kĩ xảo, kỹ thuật và khả năng thu nhận xử lý tổng hợp nhiều thông tin, tình huống trong vận động.
  • Khéo léo được hình thành và phát triển trong tập luyện.
  • Có mối quan hệ chặt chẽ các phẩm chất tâm lý và năng lực khác như sức mạnh, sức nhanh và sức bền.

Ý nghĩa của tố chất khéo léo.

  • Có tác dụng tốt trong việc học tập các kỹ thuật thể thao, nó làm cho VĐV lĩnh hội nhanh kỹ thuật mới và thực hiện tốt hơn những yêu cầu vận động đã đặt ra.
  • VĐV có thể học tập nhanh không những một kỹ thuật mà cả những kỹ thuật phức tạp khác.
  • Đem lại khả năng chịu đựng lượng vận động cho VĐV điều này có ý nghĩa trong huấn luyện cũng như thi đấu, khả năng này được áp dụng như phương tiện để khởi động và nghỉ ngơi tích cực cho VĐV.
  • Đối với việc hoàn thiện và ổn định kỹ thuật thì khả năng phối hợp vận động đóng vai trò rất quan trọng. VĐV có thể thông qua khả năng này để thực hiện kỹ thuật động tác một cách tự động hóa.
  •  Coi như là một phương tiện để giáo dưỡng kỹ thuật thể thao và tuyển chọn VĐV.
  • Tuy nhiên khả năng đó không có ý nghĩa như nhau trong tất cả các môn thể thao.
  • Theo quan điểm  sinh lý TDTT: Khéo léo là khả năng thực hiện các động tác phối hợp phức tạp và khả năng hình thành động tác mới phù hợp với yêu cầu vận động .
  • Sự khéo léo có thể được biểu hiện dưới ba hình thức sau.
    • Trong sự chuẩn xác của động tác về không gian 
    • Trong sự chuẩn xác của động tác khi thực hiện động tác bị hạn chế
    • Khả năng giải quyết nhanh và dùng những tình huống xuất hiện bất ngờ trong hoạt động .
  • Khéo léo phụ thuộc vào mức độ phát triển của các tố chất khác như sức mạnh bền, sức nhanh .
  • Mức độ phát triển khéo léo liên quan chặt chẽ với trạng thái chức năng của hệ thần kinh trung ương.

2 nhận xét: