Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

GIÁO SƯ ARSENE WENGER - PHẦN 2 - MÀN TRÌNH DIỄN CỦA WENGER

Màn trình diễn của Wenger:


Tất cả bắt đầu từ sự phóng khoáng trong triết lý bóng đá và tài phát huy năng lực từng cầu thủ của Wenger. Các cầu thủ tự do bay bổng và yêu cầu duy nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ. Ngay các cầu thủ trong phòng ngự cũng vậy.

Wenger thấu hiểu thực tế là huấn luyện viên phải chấp nhận những hạn chế trong việc thể hiện vai trò của mình. Một khi các cầu thủ đã ở trong sân, một lằn sơn trắng mong manh đủ để ngăn cách huấn luyện viên với các cầu thủ. Huấn luyện viên nắm quyền chỉ đạo đội bóng nhưng số phận trận đấu phụ thuộc vào một loạt “biến số”, những thứ mà huấn luyện viên không thể kiểm soát nổi: sự may mắn, trọng tài, mặt sân, tâm trạng của các cầu thủ đội nhà và của đối thủ, khả năng kết hợp sức mạnh của 11 cá nhân thành một tập thể… Công việc của huấn luyện viên là giảm thiểu ảnh hưởng của những “biến số” đó. Và có vẻ không huấn luyện viên nào vất vả như Wenger ở điểm này.

Cách tốt nhất để hạn chế ảnh hưởng của những “biến số” đó là mua các cầu thủ giỏi để dễ dàng đối phó với đối phương. Trong thực tế, điều này thường bị giới hạn bởi khả năng tài chính. Cách thứ hai là khôn khéo sử dụng nguồn lực sẵn có. Chính khả năng này đã góp phần tạo dựng danh tiếng của Wenger như một huấn luyện viên có biệt tài mua cầu thủ.

Công việc huấn luyện viên ở Arsenal đến với Wenger vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử bóng đá thể giới, khi cả một thế hệ cầu thủ Pháp được chăm bẵm kỹ càng đã trở thành những nhà vô địch thế giới. Một số trong đó được Wenger rèn luyện từ thời ở Monaco. Thế hệ trẻ này muốn theo đuổi tham vọng với các câu lạc bộ lớn ở nước ngoài, được hưởng lương cao hơn và chơi trước nhiều khán giả hơn. Vì thế, mặc dù không thể có được siêu sao Zidane, cầu thủ tốt nhất và cũng đắt nhất trong số họ, Wenger đã mua được những cầu thủ tương đối rẻ so với chất lượng của họ và tạo cơ hội cho họ phát triển. Tới thời điểm phải bán những cầu thủ muốn ra đi, ông đã kịp biến họ thành các ngôi sao và đem lại cho câu lạc bộ những khoản lãi lớn. Điển hình là vụ mua Anelka 500.000 bảng và bán lại 2 năm sau đó với giá 23 triệu bảng.

Có những huấn luyện viên có tài năng vượt trội về khả năng đánh giá năng lực cầu thủ và Wenger ở trong số đó. Ông không chỉ hiểu phẩm chất các cầu thủ mà còn cả hoàn cảnh của họ. Ông nhận thấy rằng Vieira và Henry đã rời Pháp quá sớm để tới một môi trường bóng đá khắc nghiệt như Italia khi còn quá trẻ. Thật khó có cơ hội, nhất là khi họ tới một câu lạc bộ đầy ngôi sao. Nhưng mặt khác, họ đã tiến bộ bởi được ở bên cạnh các cầu thủ lớn. Patrick Vieira là hình mẫu cho các vụ mua cầu thủ (gần như đều thành công) của Wenger. Ông luôn để mắt tới thị trường chuyển nhượng, biết nhằm vào những cầu thủ có năng lực nhưng không phát huy được ở câu lạc bộ của mình (Vieira ở Milan, Henry ở Juventus, Pires ở Marseille, Anelka ở PSG). Vẫn chiến thuật đó, Wenger có cầu thủ bị Inter gạt ra vì bệnh tim, Nwankwo Kanu, và cầu thủ thất sủng ở Real Madrid, Davor Suker. Wenger cũng đã chú tâm theo dõi Pires một thời gian trước khi mua cầu thủ này vào đúng thời điểm anh có giá thấp nhất.

Từ thời còn ở Nancy, Wenger đã bắt đầu thử đổi vị trí thi đấu của cầu thủ để tìm sở trường thật sự của họ. Theo ông, vị trí chơi bóng không phải là bất di bất dịch và ông nhìn thấy nơi cầu thủ phẩm chất họ chưa từng được khuyến khích bộc lộ.

Ở Arsenal, Petit bắt đầu đá ở vị trí hậu vệ trái giống như hồi còn ở Monaco. Như một quân mã trên bàn cờ, Petit được đẩy lên và dịch vào chơi như một tiền vệ trung tâm. Cầu thủ người Pháp này nhanh chóng trở thành một tiền vệ trung tâm hàng đầu và thậm chí đã trở thành một ngôi sao ở World Cup 1998. Overmars cũng được đào tạo để từ một tiền đạo cánh kiểu Hà Lan truyền thống thành một tiền vệ trái biết hỗ trợ phòng thủ và đột nhập vào trung lộ. Khi đến Highbury, Henry cũng là một tiền đạo cánh. Nhưng anh đã được Wenger đẩy vào giữa khi cần người có tốc độ để thay thế Anelka. Wenger kiên nhẫn chờ nửa mùa bóng cho tới khi Henry thật sự nhận ra rằng anh hợp với vai trò trung phong nhất. Sau này, Wenger cũng đã thử cho một loạt tiền vệ đa năng đá trung vệ như Lauren, Toure và cũng đạt hiệu quả.

Những chỉ thị cho đội bóng, cả trên sân tập và trong phòng thay đồ, giảm xuống mức tối thiểu để chỉ còn là những lưu ý cần thiết. Một thành viên ban huấn luyện của Arsenal nhận xét: “Quá nhiều huấn luyện viên cần 20 phút để trình bày ý đồ. Wenger chỉ làm điều đó trong một câu”. Wenger cũng không mấy khi nói về đối thủ. Nếu có gì cần lưu ý với các cầu thủ, ông sẽ nói một cách ngắn gọn, chẳng hạn: “Trung phong của họ chuyên nhả bóng ra biên cho tiền đạo cánh có tốc độ băng xuống đấy”.

Các cuộc họp của đội trước trận đấu kéo dài không quá 5 phút và đôi khi Wenger sử dụng luôn các tình huống ở trận trước đó để minh họa. Rất cô đọng và đi thẳng vào trọng tâm, ông nhấn mạnh những điểm nóng cần chú ý trong phòng ngự và tấn công. Với Wenger, bóng đá phải trở thành môn chơi đơn giản để mọi người đều có thể hiểu.



Sưu tầm.
Đề tài tiểu luận: Nguyễn Lê Kỳ Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét