Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Thể thao và trẻ em

Mọi lứa tuổi đều có thể tham gia hoạt động thể thao. Có rất nhiều trẻ em tham gia chơi các môn thể thao khác nhau. Tuy nhiên cần chú ý đến các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ để có thể giúp chúng phòng ngừa và khắc phục các chấn thương thể chất và tinhthần.

Một số đặc điểm chấn thương thể thao của trẻ em.

- Hơn 90% chấn thương thể thao của trẻ em là bộ máy vận động (cơ xương khớp).

- Chấn thương hệ vận động ở trẻ em dễ bị hơn người lớn.

- Thường gặp nhất là gãy xương dài.


- Xương dài của trẻ em có những đặc điểm khác biệt với người lớn. Đầu xương có nhân tạo xương còn gọi là sụn tiếp hợp. Chúng giúp cho xương dài ra liên tục cho đến khi trưởng thành. Quá trình này sẽ phát triển nhanh ở tuổi dậy thì. Đây cũng là lứa tuổi hoạt động nhiều của trẻ vì thế cũng dễ bị tổn thương nhiều nhất. Nghiên cứu cho thấy lớp sụn tiếp hợp ở đầu xương rất dễ bị tổn thương và lại thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày (10% các chấn thương).

- Các loại tổn thương sụn tiếp hợp:

  • Lún xẹp sụn tiếp hợp: do các áp lực lớn đè từ trên xuống đột ngột (té cao), hoặc tích lũy theo thời gian (tập nặng, gánh vác, tì đè). Thường nó sẽ gây hoại tử và cốt hóa sớm đầu xương dẫn đến ngắn chi.
  • Bong sụn tiếp hợp: là loại sang chấn thường gặp nhất ở trẻ em. Thường xảy ra khi trẻ chạy chơi té ngã chống tay, khuỵu gối. Nó có thể để lại biến chứng vẹo khớp gây giới hạn vận động của trẻ. Vì thế với loại chấn thương này, người ta phải tiến hành nắn khẩn cấp. Nếu làm tốt, trẻ sẽ mau lành và phát triển hoàn toàn bình thường mà không hề có di chứng nào.
  • Dập nát sụn tiếp hợp: ít xảy ra, nếu có thường cũng ít khi có triệu chứng và chỉ phát hiện khi đã trở thành di chứng. Nó dẫn đến sự rối loạn hoàn toàn sự phát triển xương làm chi dài ngắn so le.

- Gãy thân xương dài: xương trẻ em có tính dẻo nên còn gọi là gãy cành tươi. Đây là loại gãy dễ nắn, dễ lành, điều trị đơn giản và hoàn toàn không để lại biến chứng.

- Trật khớp: ít xảy ra. Nếu có cần phải nắn khẩn và cố định khớp trật một thời gian.

- Bong gân: thường gặp, dễ lành. Điều trị bằng cách nghỉ ngơi, chườm lạnh và tạm thời ngưng vận động khớp đau trong 1 - 2 tuần. Tránh đắp thuốc hay xoa bóp các loại dầu nóng, lá cây… có thể làm tổn thương lớp da non của trẻ và gây viêm khớp hậu chấn thương.

- Tổn thương cột sống cổ: những động tác chổng ngược đầu, té cắm đầu, va chạm đầu hoặc thường xuyên tì đè mang vác nặng trên đầu có thể làm tổn thương các dây chằng quanh cột sống cổ. Thường gặp là bán trật hay trật khớp đốt sống cổ trên cao như C1, C2… gây ra chèn ép các dây thần kinh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tử vong do ngưng thở, yếu liệt hay tê tay chân.

Nguyên tắc luyện tập thể thao cho trẻ em.

- Không được tạo áp lực thành tích cao đè nặng tâm lý của trẻ. Đối với trẻ, thể thao phải là một trò chơi, dùng để hoàn thiện con người. Chuyên nghiệp hóa thể thao trẻ em tương tự như cho các em vào đời sớm. Nó sẽ nhanh chóng thúc đẩy sự lão hóa cơ thể của trẻ cả tinh thần lẫn thể chất.

- Chương trình tập luyện kỹ thuật phải phù hợp với thể chất và tinh thần của từng trẻ. Đối với trẻ có năng khiếu, cần có chuyên gia kỹ thuật lẫn sức khỏe hướng dẫn và theo dõi để có được sự phát triển tốt nhất cho trẻ. Cần lưu ý có một số môn thể thao cấm với trẻ em như cử tạ, ném tạ, chạy vượt rào, nhảy ba bước, quyền Anh… Không phải lúc nào cũng áp dụng chế độ luyện tập của người lớn cho trẻ. Với cường độ và tần số động tác không thích hợp có thể làm hư sụn tiếp hợp của trẻ theo cơ chế tích lũy tăng dần.

- Chọn lựa chế độ dinh dưỡng và vệ sinh tương xứng với mức độ vận động của trẻ. Làm không tốt điều này có thể dẫn đến các rối loạn tâm sinh lý khi trẻ đến tuổi dậy thì. Dinh dưỡng thiếu hụt hay mất cân đối giữa các thành phần sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng hay béo phì đều có thể làm rối loạn sự phát triển xương khớp.

- Chú ý rèn luyện thể lực cho trẻ thật tương xứng với kỹ thuật của bộ môn thể thao đòi hỏi. Yếu tố này hết sức quan trọng vì nó giúp cho trẻ phát triển cân đối và tránh được các nguy cơ chấn thương trong tập luyện. Cơ bắp của trẻ em còn non nớt, thường không chịu được các lực căng lớn hoặc kéo dài. Chính vì thế phải tập theo nguyên tắc tăng dần, nếu không có thể làm tổn thương sợi cơ gây teo cơ không hồi phục. Huấn luyện viên phải thấu hiểu và thận trọng khi cho trẻ tập các động tác kỹ thuật phù hợp với thể lực của trẻ. Ví dụ như đánh banh (tennis), đánh cầu (cầu lông), lực đập của tay vợt đôi khi rất lớn trong thi đấu. Nếu cơ tay trẻ chưa được luyện đủ sức, khi bất ngờ đánh banh thi đấu có thể làm chấn thương như rách cơ, rách gân cơ chỏm xoay, giãn dây chằng hoặc gãy bong sụn tiếp hợp đầu trên xương cánh tay. Do đó trước khi cho trẻ thi đấu, cần phải kiểm tra thể lực có đáp ứng đầy đủ mới cho ra sân. Sự cân nhắc thận trọng của huấn luyện viên và phụ huynh sẽ hạn chế nhiều nguy cơ chấn thương của trẻ, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ thi đấu thành công.

Chọn lựa môn thể thao tốt nhất cho trẻ

- Hãy để cho trẻ tự chọn lựa môn thể thao nào chúng cảm thấy thích. Sự ép buộc có thể làm ức chế tâm lý trẻ, từ đó rất dễ làm cho trẻ bị chấn thương do thực hiện một cách cố tình hay vô ý sai kỹ thuật các động tác.

- Môn thể thao cá nhân ít bị chấn thương hơn thể thao tập thể. Tuy nhiên, sự cạnh tranh và tình đồng đội trong thể thao tập thể sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn về tâm lý lẫn thể chất.

- Trong luyện tập thể thao, nhiều người quan tâm vấn đề kỹ thuật nhằm đạt thành tích nhưng quên rằng chính thể lực mới là căn bản của thể thao và thể lực còn là mục đích để chúng ta chơi thể thao. Thể lực tốt sẽ giúp thể hiện tốt các kỹ thuật động tác môn chơi. Từ đó sẽ hạn chế tối đa các chấn thương có thể xảy ra. Các môn thể thao cá nhân sẽ giúp rèn luyện thể lực tốt hơn. Vì thế để chơi môn tập thể, người ta phải có giờ luyện thêm thể lực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét