Quảng cáo sống nhờ thể thao
Khi được hỏi quảng cáo nào được yêu thích thì đa số người Châu Âu trả lời ngay đó là quảng cáo của hãng Pepsi với các ngôi sao thể thao như Zinedin Zidan, Roberto Carlos, Raul đùa giỡn với trái bóng.
Nhiều chuyên gia quảng cáo đã đặt câu hỏi: Tại sao đó là quảng cáo của những ngôi sao thể thao mà không phải là một ca sỹ, một diễn viên điện ảnh hay một người mẫu? Francois Trabelsi, một chuyên gia quảng cáo của hãng Lord Byron giải thích: “Vì ngày nay các ngôi sao thể thao luôn mang những phẩm chất chung mà ai cũng muốn có: lòng nhiệt huyết, sức mạnh, sự hoàn hảo, tính tranh đua và giá trị đạo đức. Họ là những đại diện sau cùng của huyền thoại về anh hùng, phần nào đó gợi nhớ về các đấu sỹ trong đấu trường La Mã - những người được cả thế giới mến phục”.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trong một vài năm gần đây, trung bình mỗi năm Micheal Jordan kiếm được 40 triệu USD nhờ quảng cáo, tiếp theo là ngôi sao quần vợt Aggassi với 13 triệu USD. Rất nhiều ngôi sao thể thao khác cũng được quảng cáo tận dụng như Ronaldo, Tiger Wood. Và các doanh nghiệp vẫn ngày một chi “mạnh tay” hơn cho các ngôi sao thể thao để có được các ngôi sao này trong những quảng cáo về sản phẩm của mình, nhưng bù lại nó cũng đem lại cho doanh nghiệp những lợi ích lâu dài.
Hàng loạt các sự kiện thể thao lớn đã tác động đến tâm lý của người dân toàn thế giới, tạo dựng cho họ mối quan tâm hơn đến thể thao. Nike và Adidas đã không bỏ lỡ cơ hội tận dụng những sự kiện này để đưa ra các chương trình tài trợ và quảng cáo thu hút nhất. Nike và Adidas là những lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng ưa thích các nhãn hiệu giày uy tín, và điều này dường như khiến cuộc cạnh tranh giữa hai nhãn hiệu ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Trong những năm gần đây ngành công nghiệp quảng cáo trên xe đua ngày càng phát triển mạnh, thâm nhập vào từng đội đua, từng chiếc xe đua. Từ giải đua Công thức 1 đến các giải đua Motor khác, những chiếc xe đua giờ đây đặc kín quảng cáo từ nhỏ đến lớn, từ ít tiền đến nhiều tiền. Do số lượng quảng cáo tăng quá nhiều, cùng với kích thước xe quá hẹp, một số nhà tài trợ đã chuyển sang quảng cáo trên quần áo, trang phục của tay đua. Có thể nhìn thấy rõ trên quần áo của các tay đua “chằng chịt” những logo quảng cáo. Nhiều người nghĩ rằng trong suốt cả chặng đua các tay đua đều ngôi trên xe motor hoặc ngồi hẳn trong xe ô tô với tốc độ chóng mặt thì đâu là tác dụng của các quảng cáo này. Thế nhưng, các hãng vẫn đua nhau đăng ký quảng cáo với giá quảng cáo thường dao động từ vài chục nghìn USD đến hàng triệu USD, phụ thuộc vào độ lớn nhỏ, cũng như vị trí đặt quảng cáo. Tuy giá thành tăng lên một cách chóng mặt, nhưng không phải đội đua nào cũng có đủ chỗ để đáp ứng nhu cầu của các nhà tài trợ. Kéo theo đó, các tay đua hàng đầu thế giới luôn là mục tiêu săn lùng của các hãng với giá “cao ngẩt trời”! Để ký kết được hợp đồng quảng cáo với các tay đua nổi tiếng như Micheal Schumacher hay Atonio Rossi các hãng không những phải bỏ trung bình từ 3 đến 4 triệu USD tiền thuê đóng quảng cáo mà còn phải cạnh tranh nhau quyết liệt để giành được họ cho quảng cáo của mình.
Theo Christopre Coquart, người phụ trách quảng cáo của Pirelli thì nhà thể thao không khác gì một bão lãnh có giá trị. Họ đóng vai trò cố vấn cho người tiêu dùng như ngôi sao Prost cho sản phẩm của Midas, Carl Lier cho Pirelli, Poulidor cho dao cạo Bic, hoặc như Platini đã làm cả Châu Âu lên cơn sốt với sản phẩm nước khoáng Evian có mùi trái cây.
Bên cạnh việc khai thác thành tích của các ngôi sao thể thao, các chuyên gia quảng cáo còn khai thác cá tính hay các khía cạnh cuộc đời của họ. Là biểu tượng của ý chí, Lance Amstrong, người 5 lần vô địch Tour De France và cũng là một người chiến thắng căn bệnh ung thư, đã được các “ông chủ” đã không tiếc hầu bao chi ra hàng chục triệu USD để quảng cáo trên những chiếc áo của anh thuộc đội đua US Portal. Mọi người cảm phục tinh thần nghị lực của Lance Amstrong, từ đó cũng có cảm tình với những quảng cáo mà anh tham gia.
Tạo Châu Âu, nhà vô địch thể thao được các hãng quảng cáo mến mộ nhất là Eric Cantonna. Rất nhiều hãng đã nhờ con người “lắm tài nhiều tật” này tham gia vào các quảng cáo cho mình, và đương nhiên hiệu quả mang lại cũng rất lớn. Năm 1993, Nike lần đầu tiên ký hợp đồng quảng cáo với Cantona và thắng to. Sau đó, Bic cũng nối gót bằng cách nhờ cầu thủ số 7 của câu lạc bộ nổi tiếng Machester United này quảng cáo cho họ con dao hai lưỡi màu xanh. Khi Cantona không được gọi vào tham dự đội tuyển Pháp Euro 96, khi Cantona gây scandal bằng cú đá kungfu vào một cổ động viên Anh, Bic đều tận dụng sự chú ý của dự luận đến Cânton để quảng cáo mạnh hơn. Các chuyên gia quảng cáo nhận định, tính cách và nỗi bất hạnh của Cantona là những yếu tố thuận lợi để bán chạy bất kỳ một sản phẩm nào do anh quảng cáo. Ngày nay, Catona đã giải nghệ từ lâu nhưng hãng Liponic vẫn “ăn theo” sự nổi tiếng của anh và nhờ ngôi sao này quảng cáo cho sản phẩm của mình.
Liệu việc tham gia quảng cáo có tổn hại thanh danh và uy tín của những ngôi sao thể thao không? Jean Galione huy chương vàng Olympic môn nhảy sào nói: “Tôi chẳng lo lắng gì về các bình phẩm của người khác về những quảng cáo của tôi. Tôi
chấp nhận quảng cáo nếu nó không ảnh hưởng đến thời gian luyện tập và thành tích của tôi”. Tuyên bố đó của Jean dường như giải thích được phần nào sự lớn mạnh đến kinh ngạc của quảng cáo trong lĩnh vực thể thao. Thể thao đang ngày một sản sinh ra những ngôi sao, những nhà vô địch mới và người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội “chiêm ngưỡng” những người hùng thể thao của mình trong vai trò là nhân vật chính cho các quảng cáo.
Sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét