Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

MỘT SỐ VẤN ĐỀ DINH DƯỠNG LIÊN QUAN THỂ THAO - PHẦN 2

3. Chất béo

Khác với lượng glycogen có dự trữ rất hạn chế, chất béo trong hoạt động thể lực được coi là nguồn dự trữ vô hạn. Ngay cả vận động viên nữ mảnh mai nhất cũng có lượng mỡ dự trữ là 7-10% trọng lượng cơ thể nên cũng có nguồn dự trữ lớn về năng lượng. Vì thế không cần tăng lượng chất béo trong khẩu phần. Mức 20-25% chất béo có lẽ là hợp lý.


4. Vitamin

Chế độ ăn cân đối cung cấp đủ nhu cầu sinh tố cho cơ thể và việc bổ sung vitamin trong trường hợp này không làm tăng thành tích. Tuy nhiên có một số tình huống có thể không cung cấp đủ nhu cầu, như những người có thói quen ăn uống thiên lệch (ít ăn rau và trái cây chẳng hạn), hoặc tiết chế giảm cân, hoặc ngược lại có nhu cầu rất cao song lại dùng quá nhiều thực phẩm "calori rỗng" nghèo chất dinh dưỡng, như nước uống chứa đường để không phải ăn quá nhiều. Cả hai thái cực đều dẫn đến thiếu hụt và cần bổ sung thêm đa sinh tố, nhưng không dùng liều quá cao (Vander Beek, 1991).

5. Các chất khoáng

Hai khoáng chất cần quan trọng là sắt và canxi. Vận động thể lực cao và một số chấn thương làm tăng nhu cầu sắt ở mức độ nhẹ. Các vận động viên tiết chế ăn ít có nguy cơ thiếu chất sắt, đặc biệt nếu ăn chay. Thiếu sắt làm giảm rõ rệt thành tích thể thao. Lưu ý, các vận động viên thường có nồng độ hemoglobin hơi thấp hơn bình thường không phải do thiếu máu, mà do tăng khối lượng huyết tương...

Các vận động viên tiết chế để có thân hình thật mảnh mai, tỷ lệ mỡ rất thấp dẫn đến mất kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, có nguy cơ bị loãng xương do giảm lượng oestrogen và gãy xương do stress. Do vậy cần tăng lượng canxi cung cấp cho đối tượng này.

6. Chất hỗ trợ (ergogenic aids)

Chất hỗ trợ là các chất giúp tăng thành tích hơn mức độ bình thường. Sữa ong chúa, phấn hoa, nhân sâm, cafein, coenzym. QLO ... thường được coi là các chất có khả năng hỗ trợ tăng thành tích và được nhiều vận động viên sử dụng. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy chúng chỉ có tác dụng như giả dược (placebo).

Các vận động viên cần được động viên để thực hiện chế độ tập luyện đúng, chế độ ăn phù hợp, dụng cụ tập luyện tốt, nghỉ ngơi và ngủ đầy đủ, và có một tinh thần đúng đắn là cách tốt nhất để đạt thành tích thay vì dựa vào các chất hỗ trợ.


7. Kiểm soát cân nặng

Mục tiêu của chế độ ăn giảm cân ở vận động viên là giảm khối mỡ mà không ảnh hưởng đến dự trữ glycogen, nước và khối nạc của cơ thể. Ðiều quan trọng là chế độ ăn phải đủ chất tinh bột để tái dự trữ glycogen sau mỗi đợt tập luyện. Thực đơn ít chất béo nhưng chứa đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong số năng lượng đủ để giảm số cân mong muốn. Sự sụt cân nhanh bằng tiết chế hay bằng phương pháp khác cần tránh nếu ảnh hưởng đến thành tích do cạn kiệt dự trữ glycogen và nước (Smith, 1984).

Ðối với vận động viên cần tăng cân, mục tiêu là tăng khối lượng cơ chứ không phải khối mỡ. Khối cơ được quyết định bởi tác dụng của tập luyện và chế độ ăn thích hợp với tỉ lệ chất tinh bột cao trong tập luyện. Cần chú ý để bảo đảm lượng thức ăn ăn vào hàng ngày, không bỏ bữa và có các bữa phụ giàu chất tinh bột giữa các bữa ăn chính.


Sưu tầm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét