Golf: Môn thể thao giải trí
Golf được cho là môn thể thao cường độ thấp, nhưng liệu điều đó có nghĩa là người chơi hoàn toàn yên tâm ít bị chấn thương? Và cần làm gì để tránh bị chấn thương?
Golf là môn chơi chậm, cường độ thấp. do đó yêu cầu về sức mạnh, sức nhanh không cao, nhưng nó lại đòi hỏi sức bền, độ dẻo, sự tinh xảo, phản xạ thăng bằng và định hướng không gian phải thật tốt.
Ngoài sự luyện tập chung về thể lực, người chơi golf cần phải tập sức mạnh và độ dẻo của hệ thống trục thân - lưng, bụng, khớp háng và chi trên - khớp vai, khuỷu, cổ tay và cơ bắp cánh tay, phục vụ cho động tác chính của môn này là vặn người vụt gậy sắt quất banh…
Điều quan trọng không kém là phải rèn luyện khả năng tập trung cao độ khi thực hiện động tác. Đặc biệt là các kỹ thuật tay và tư thế phải thật chuẩn để đạt độ chính xác cao và tránh bị chấn thương.
Golf là môn chơi cường độ thấp khi so với các môn đá bóng, tennis, cầu lông…, nhưng tỷ lệ chấn thương lại cao ở cả người chơi nghiệp dư lẫn vận động viên chuyên nghiệp. Theo nhiều báo cáo trên thế giới, hơn 60% vận động viên chuyên nghiệp và hơn 80% người chơi nghiệp dư ít nhất một lần bị chấn thương.
Đau thắt lưng thường gặp nhất vì động tác vặn xoắn thân người thường xuyên. Kế đến là chấn thương ở chi trên: đau khuỷu, cổ tay do viêm rách gân, giãn dây chằng; đau khớp vai do viêm rách gân chóp xoay, gân nhị đầu. Chấn thương chi dưới chỉ chiếm 10%.
Nguyên nhân:
Rèn luyện thể lực không đủ.
Không làm nóng khởi động đúng mức.
Thi đấu hoặc tập luyện quá sức.
Động tác quất banh không chuẩn xác.
Đánh trúng đất hoặc vật cản dưới đất khi thực hiện động tác quất banh.
Thực hiện động tác lập đi lập lại quá nhiều lần.
Vặn xoắn thân người quá mức.
Kỹ thuật nắm tay gậy không đúng.
Phòng ngừa chấn thương:
Rèn luyện sức mạnh của các nhóm cơ chính như cẳng tay, bàn tay, lưng, bụng; độ dẻo các khớp và sức bền.
Làm nóng khởi động kỹ ít nhất 10 phút trước khi tập luyện hoặc thi đấu, đặc biệt là các động tác kéo giãn gân cơ và động tác quất banh xoay người nhẹ nhàng, dùng gậy sắt ngắn rồi đến gậy dài, tăng dần độ vặn xoắn của cơ thể.
Chú ý là người chơi nghiệp dư không nên bắt chước vặn xoắn quá mức thân mình quất banh như các vận động viên chuyên nghiệp vì rất dễ bị chấn thương do quá sức chịu đựng của cơ thể.
Chọn gậy có chiều dài thích hợp, tay cầm to phù hợp và mềm hơn.
Phải được hướng dẫn các động tác kỹ thuật chuẩn của huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Có chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý.
Phải biết lắng nghe cơ thể bạn báo động có thể bị chấn thương khi có các triệu chứng: khớp đau hoặc giảm tầm vận động, có điểm hoặc vùng cơ thể ấn đau, sưng, tay ra sức yếu hoặc tê bì.
Biết xử trí ban đầu các chấn thương đúng cách. Nếu không hiệu quả, phải được tư vấn hoặc khám ngay bởi bác sĩ chuyên khoa y học thể thao để được chẩn đoán và điều trị đúng mức, hiệu quả, tránh di chứng hoặc đau, mất chức năng mạn tính.
Tốt nhất bạn nên có sẵn số điện thoại hoặc địa chỉ đáng tin cậy để được xử trí chấn thương kịp thời.
Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là bạn phải có kiến thức và tuân thủ qui định nghiêm ngặt phòng tránh bị sét đánh trên sân golf - một tai họa cũng không hiếm gặp trong môn chơi này.
Sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét